“Lấy cái này đi con, nhiều kẹo hơn, to hơn nữa nè”, người mẹ 1 tay cầm gói kẹo và 1 tay kéo đứa trẻ đi tính tiền, trong khi đó, đứa trẻ tỏ vẻ thất vọng và bực tức.
Cơ bản của tình yêu là sự thấu hiểu. Nếu tình yêu không dựa trên sự thấu hiểu, thì nó có thể biến tướng thành nhiều cách khó lường như nuông chiều hoặc áp đặt. Bất kì sự bóp méo nào của tình yêu như vậy đều có thể gây hại lên trẻ. Điều này càng đặc biệt quan trọng với những đứa trẻ Alpha (sinh từ 2010 về sau). Khi trẻ sinh ra trong 1 gia đình được yêu thương dạy dỗ bằng sự thấu hiểu và chia sẻ, trẻ sẽ càng tự tin và có nhiều cơ hội thành công vượt trội hơn, theo TS. MacNamara, Viện Giáo Dục Neufeld, Canada.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA BẠN VÀ TRẺ
Khi càng lớn, tự mỗi chúng ta thường có suy nghĩ thiên vị về kiến thức, tuổi tác. Nghĩa là, chúng ta dễ bỏ qua hoặc cho rằng suy nghĩ và việc làm của người trẻ hơn thì ít quan trọng. Điều này có thể làm chúng ta dễ dàng áp đặt điều gì đó lên trẻ dựa trên suy nghĩ, niềm tin và kiến thức của chúng ta.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của TS. Nardini, ĐH UCL, London, Anh Quốc đã chứng bằng thực nghiệm và cho thấy trẻ con trước 12 tuổi có cách nhìn, đánh giá khác biệt lớn so với người lớn chúng ta. Do đó, việc chúng ta áp đặt cách mà chúng ta cho là tốt nhất cho trẻ, nhưng đôi lúc đó không phải là luôn đúng nhất với trẻ.
LÀM SAO HIỂU ĐƯỢC TRẺ CON?
Để thực sự yêu thương trẻ, bạn cần học cách hiểu trẻ. Có một cách rất cơ bản và hiệu quả để hiểu trẻ là thật sự lắng nghe trẻ. Vậy, như thế nào là thật sự lắng nghe?
- Khi lắng nghe, bạn cần để tâm vào điều trẻ đang nói. Tưởng tượng, đứa trẻ hỏi bạn điều gì, nhưng bạn chỉ tập trung vào chiếc điện thoại, liệu bạn có thể nghe và hiểu điều trẻ đang nói.
- Khi lắng nghe, bạn hãy hạ thấp tầm nhìn của mắt ngang bằng trẻ. Đó cũng là 1 cử chỉ cho trẻ thấy rằng “mẹ đang tôn trọng điều con nói”.
- Khi lắng nghe, bạn không có cảm xúc giận dữ đan xen. Cảm xúc giận dữ là tảng đá lớn và rất lớn giữa bạn và trẻ. Dù trẻ có hét thật lớn ở phía kia của tảng đá, bạn cũng không thể nghe rõ. Khi giận dữ, tốt nhất là không nghe và không nói, cho đến khi bạn bình tĩnh hơn.
- Khi lắng nghe, bạn cần dành thời gian cho nó. Không chỉ nghe xong rồi để đó. Nó không hiệu quả cho giáo dục. Nghe thì phải đáp lại, trẻ cũng cần đáp lại hoặc hỏi thêm. Thay vì ừ liên tục đại cho qua hàng trăm câu hỏi, bạn chỉ cần trả lời 1 câu hỏi -nơi đó bạn dành tình yêu và thời gian cho trẻ là quá đủ để trẻ thông thái hơn.
LUYỆN TẬP SỰ THẤU HIỂU TRẺ
Bạn và trẻ có thể luyện tập hiểu nhau bằng cách dạy trẻ chia sẻ những điều sau: (1) nhìn thấy, (2) cảm thấy, (3) nghĩ và (4) hiểu.
Hãy lồng chuỗi 4 kỹ năng hiểu này trong các buổi nói chuyện cùng gia đình hoặc bất kì vấn đề gì mà bạn và trẻ có thời gian trao đổi cùng nhau. Cụ thể như:
(1) Nhìn thấy, là đứng đầu chuỗi này vì trẻ sẽ luôn quan sát, do đó, không khó để hiểu điều trẻ nhìn thấy. Tuy nhiên, TS. Nardini đã nhấn mạnh: không phải cái bạn nhìn thấy là đúng điều trẻ nhìn thấy. Bạn cần phải luyện tập hiểu cách mà trẻ thấy khi trò chuyện. Bạn nên tạo 1 thói quen tường thuật về tính chất điều trẻ nhìn. VD, cái gì, màu sắc ra sao, hình gì.
(2) Cảm thấy, là 1 phần quan trọng để trẻ hiểu về các cảm giác như buồn, vui, đau, khó chịu,… Nó khó để mô tả và tường thuật nếu chỉ dùng ngôn ngữ. Bạn cần cho trẻ hiểu “1 người bị đau họ ra sao”. Điều này không khó nếu bạn đọc sách hoặc kể chuyện cho trẻ. Sách sẽ là công cụ để giúp trẻ hình dung và tưởng tượng. Cũng có nhiều cách khác như sticker, hình ảnh, poster… VD, có bạn hỏi làm sao giúp trẻ hiểu ổ điện là nguy hiểm. Bạn có thể dùng kết hợp đa cách từ định nghĩa cảm xúc như “con sẽ bị điện giật” bằng 1 cái rung mình nhẹ, hoặc kết hợp hình ảnh sticker của mặt khóc để trẻ hiểu. Nên nhớ, cảm thấy của trẻ có thể khác cách bạn cảm thấy, do đó, đưa các công cụ để giúp trẻ diễn tả cách trẻ hiểu và chọn công cụ thích hợp để nói về cách trẻ cảm thấy.
(3) Nghĩ, là cách bạn đang khai thác điều mà trẻ nghĩ về cái gì đó. Thường là cách trẻ nghĩ về chức năng, công dụng, vai trò của cái đó. Bạn cần khai thác nó để đáp ứng phù hợp. Bạn không thể bảo 1 đứa trẻ chấm dứt ăn kẹo và nói là nó gây sâu răng; trong khi đứa trẻ có thể hiểu kẹo giúp trẻ thấy ngon ngọt.
(4) Hiểu, là khó nhất, đặc biệt trẻ càng nhỏ càng thiếu ngôn ngữ là càng khó. Trẻ quá nhỏ (<2 tuổi) chủ yếu cần sự quan sát và phỏng đoán. Khi trẻ > 2 tuổi, hiểu thông qua đặt câu hỏi, cho lựa chọn, cho luật lệ (thưởng-phạt) rõ ràng.