“Một đứa trẻ chịu đọc sẽ trở thành một người lớn chịu tư duy” – Khuyết danh. Hẳn chúng ta đều đồng ý về tầm quan trọng của việc mở mang trí tuệ cho trẻ em thông qua các kỹ năng đọc sách. Thành công trong học tập, trong lao động, trong các mối quan hệ gia đình, xã hội sau này của mỗi người, dù ít hay nhiều đều có bóng dáng của những cuốn sách từ thủa thiếu thời cho đến hoa niên và những năm về sau.
Việc phát triển hứng thú với sách, xây dựng niềm vui khi xem sách và vun trồng tình yêu với sách, nên bắt đầu ngay từ tuổi mầm non.
Sách giúp trẻ mầm non phát triển trí tưởng tượng và sáng tạo. Mỗi câu chuyện, tranh vẽ trong sách đều tạo nên những hình dung khác nhau ở mỗi trẻ. Khi nhiều trẻ kể lại câu chuyện, dù qua lời nói hay những hình thức khác, chúng ta sẽ thấy các phiên bản khác nhau… Và những sản phẩm thực tế được tạo ra khi các bé áp dụng những điều đọc được trong sách, cũng luôn muôn hình, muôn vẻ…
Sách giúp trẻ mầm non phát triển ngôn ngữ. Môi trường giao tiếp hằng ngày của trẻ sẽ quy định vốn từ vựng mà các bé tích lũy được. Thông qua sách, vốn từ đẹp của bé sẽ tăng lên, cách dùng từ, cấu trúc câu nói của bé sẽ được hoàn thiện. Bên cạnh đó, nếu bé học các ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ, xem sách bằng ngôn ngữ đó chính là một phương thức tuyệt vời!
Sách giúp trẻ mầm non phát triển tri thức. Có câu nói “Trong sách chứa vàng, ngọc”. Những điều mà trẻ thu thập được trong sách, sẽ trở thành “vốn liếng” để trẻ phát triển sau này.
Sách giúp trẻ mầm non học cách tập trung. Khi có được một cuốn sách hợp sở thích, trẻ sẽ chuyên chú, hòa mình vào thế giới trong đó. Dần dần, trẻ sẽ tạo được thói quen tĩnh lặng, tư duy.
Sách giúp trẻ mầm non tăng cường trí nhớ. Khi trẻ có ấn tượng với tình tiết, nhân vật, hình ảnh nào đó… trong sách, trẻ có xu hướng kể lại, nhắc lại, thậm chí mang ra để “thảo luận” với người khác. Điều đó góp phần củng cố năng lực ghi nhớ của trẻ.
Sách giúp trẻ mầm non tìm hiểu và điều chỉnh cảm xúc bản thân. Những tình huống trong sách giống như con đường dắt trẻ khám phá thế giới tinh thần của mình và những người xung quanh. Được chỉ dẫn đúng đắn, trẻ sẽ biết nên cảm thấy thế nào và biết ứng xử phù hợp với những tình huống mà trẻ gặp phải trong thực tế.
Sách giúp trẻ mầm non tạo dựng một thói quen lành mạnh. Quen đọc sách, quen tìm đến với sách khi rảnh rỗi, khi cần “thức ăn tinh thần”, trẻ sẽ có được “nguồn dinh dưỡng bổ ích”, thay vì sa đà, nghiện trò chơi điện tử, thiết bị điện tử khiến trẻ dễ trở nên ỳ trệ, ích kỷ, nóng giận vô cớ…
Sách giúp trẻ mầm non và bố mẹ tìm được hình thức giải trí chung, bổ ích. Đây là lý do vô cùng quan trọng. Bố, mẹ, ông, bà, anh, chị… cùng với trẻ đọc sách sẽ giúp hiểu sở thích, tính cách của trẻ, giúp người lớn biết nên bổ sung mảng tri thức nào cho trẻ, phát triển xu hướng lành mạnh nào của trẻ, vô hình chung sẽ tìm được tiếng nói chung và gắn kết tình cảm gia đình.
Nuôi dưỡng hứng thú của trẻ mầm non với sách – Đó chính là cách mà chúng ta gây dựng cho thế hệ tương lai của mình một tài sản khổng lồ và bất tận. Bố mẹ, gia đình hãy cùng Ánh Dương đồng hành với các bạn nhỏ của chúng ta nuôi dưỡng hứng thú đọc sách nhé!